Tranh sơn dầu đã manh nha xuất hiện từ những năm đầu thế kỉ thứ V, trong những bức vẽ Phật giáo của những họa sĩ Ấn Độ và lan tỏa khắp thế giới sau này. Nhưng lịch sử tranh sơn dầu Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu và đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, trong suốt gần 100 năm phát triển, lịch sử tranh sơn dầu nước nhà đã chứng kiến nhiều dấu ấn vàng son đáng nhớ.
Trong bài viết dưới đây, Halo Canvas xin giới thiệu đến Quý bạn đọc về hành trình lịch sử của tranh sơn dầu nước ta trong thế kỉ XX, những họa sĩ lừng danh cùng những tác phẩm để đời đi cùng năm tháng.
Tranh sơn dầu đã tới Việt Nam như thế nào? – Giai đoạn 1925 – 1945
Tranh sơn dầu đã có mặt tại nước ta từ rất lâu. Tuy nhiên người Việt chỉ biết đến rộng rãi tranh sơn dầu từ năm 1925, khi người Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Đây được coi là trường cao đẳng chuyên về nghệ thuật đầu tiên tại nước ta. Trường cũng chính là cái nôi sản sinh ra rất nhiều họa sĩ tranh sơn dầu Việt Nam tài ba sau này.
Tranh sơn dầu là chất liệu tranh vẽ làm từ bột màu trộn với dầu khô, tạo nên chất kết dính vẽ lên bề mặt tranh. Sau khi vẽ, bức tranh có thể được đánh bóng bằng lớp vecni giúp tăng độ bền và độ lung linh cho tác phẩm.
Tưởng chừng như với một chất liệu vẽ khó như vậy, rất khó để họa sĩ nước ta có thể vẽ thành thục. Nhưng lịch sử đã chứng minh điều ngược lại khi những họa sĩ tiêu biểu nhất của nền hội họa Đông Dương bấy giờ đều theo thể loại sơn dầu. Một số danh họa có thể kể đến như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn,..
Trong thời kỳ 1925 – 1945, các họa sĩ tranh sơn dầu Việt Nam sử dụng đa dạng các trường phái như Cổ điển, Hiện thực và phần nào đó là Hiện đại. Các bức vẽ nổi tiếng giai đoạn này hầu hết là tranh chân dung: “Thiếu Nữ bên Hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân hay “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn,…
Thời kỳ hoàng kim của tranh sơn dầu nước nhà giai đoạn 1945 – 1975
Giai đoạn 1945-1975 được ví như thời kỳ bùng nổ của nền tranh sơn dầu Việt Nam. Lớp họa sĩ đời đầu đã trở thành giáo viên, sản sinh ra lớp kế cận xuất sắc với những cái tên: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng hay Bùi Xuân Phái,..
Đây là thời kỳ cực thịnh của dòng tranh sơn dầu nước ta mang trường phái Hiện đại: Trừu tượng, Ấn tượng, Lập thể và Siêu thực,…
Ngoài các tác phẩm về con người, phong cảnh thì các họa sĩ tranh sơn dầu còn đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh chống Pháp – Mỹ của nước nhà với những bức tranh cổ động sản xuất, lao động và chiến đấu.
Tranh sơn dầu Việt Nam phát triển phong phú hơn trong giai đoạn sau 1975
Từ sau năm 1975, khi chiến tranh lùi xa cũng là lúc cả nước bước vào giai đoạn khôi phục và phát triển. Các họa sĩ tranh sơn dầu Việt Nam cũng sáng tác đa dạng thể loại hơn. Các tác phẩm đã khai thác thêm hiện trạng cuộc sống, phản ánh hiện thực nước ta cũng gợi nhắc về một thời kỳ trường kỳ kháng chiến đã qua.
Những nét vẽ trong giai đoạn này đã có sự giản lược, cách điệu nhưng vẫn tinh tế. Nhiều tác phẩm chân dung dần tiếp cận với nền tranh sơn dầu thế giới khi đưa vào những nét vẽ sâu, mạch lạc dường như thổi hồn vào nhân vật.
Tranh sơn dầu Việt Nam và những họa sĩ tiêu biểu
Nhắc đến thời kỳ hoàng kim của tranh sơn dầu nước nhà, ta không thể bỏ qua những cây đại thụ như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…
Tô Ngọc Vân – ngôi sao sáng trong nền hội họa nước nhà
Tô Ngọc Vân là một trong những sinh viên xuất sắc khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông thiên về vẽ chân dung. Bên cạnh đó, Tô Ngọc Vân cũng rất ưa thích vẽ tranh sơn dầu về chùa Hương, Hạ Long hay cảnh vật thường ngày.
Năm 1939, Tô Ngọc Vân trở thành giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trực tiếp đào tạo và cho ra lò thế hệ họa sĩ tài năng kế cận như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Phan Kế An,..
Tô Ngọc Vân đã để lại cho đời sau hàng loạt các bức tranh sơn dầu nổi tiếng Việt Nam kinh điển như: “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ”,…
Trần Văn Cẩn – một họa sĩ với nhân cách lớn
Trần Văn Cẩn sinh ra trong gia đình trí thức nghèo, có nhà nhiều đời làm nghề thủ công như nặn tò he và làm đèn giấy. Ông sớm bộc lộ khả năng hội họa từ bé. Ông là sinh viên khóa VI của trường Mỹ thuật Đông Dương.
Chính Trần Văn Cẩn là người đầu tiên đưa những chất liệu dân dã của Việt Nam lên bức tranh, tạo nên thể loại tranh sơn mài độc đáo với lớp vỏ trứng và sơn son.
Dành cả đời mình cho sáng tác nghệ thuật, Trần Văn Cẩn luôn nghiêm túc với nghiệp vẽ, sống một đời thanh cao, cần mẫn. Ông là một cây đại thụ trong nền hội họa nước nhà với những tác phẩm ấn tượng như: “Em Thúy”, “Bác Hồ”,..
Bùi Xuân Phái – một đời gắn liền với dòng tranh sơn dầu phố cổ
Bùi Xuân Phái là người học trò xuất sắc của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ông theo học trường Mỹ thuật Đông Dương những nằm đầu thập niên 40 của thế kỉ trước, khi nước ta bước vào thời kì kháng chiến và nổi dậy mạnh mẽ.
Sinh ra tại Hà Nội, dường như Bùi Xuân Phái đã quá si mê trường cảnh phố phường bình dị, thân thuộc nơi đây. Ông miệt mài trong những tác phẩm tranh sơn dầu nước nhà về phố cổ.
Mỗi căn nhà, con ngõ nhỏ trong phố phường Hà Nội đều được ông thể hiện lại rất mộc mạc. Tới những năm 70, người ta chợt nhận ra có một “Phố Phái” khi dòng tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái đã trở thành kinh điển.
Những mẫu tác phẩm tranh sơn dầu Việt Nam kinh điển nhất
Dưới đây là môt số bức tranh sơn dầu Việt Nam tiêu biểu thế kỷ 20. Trong đó có những bức tranh đã được ghi danh là “Bảo vật quốc gia”.
“Thiếu nữ bên hoa huệ” là tuyệt tác tranh sơn dầu nổi tiếng bậc nhất của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức tranh miêu tả một thiếu nữ trong tà áo dài trắng đang ngồi say sưa ngắm nhìn vẻ đẹp bông hoa huệ. Điều đáng tiếc là hiện nay bức tranh đang bị thất lạc.
Khung cảnh trong “Hai thiếu nữ và em bé” là hình ảnh hai cô gái Việt Nam trong tà áo dài đang ngồi trò chuyện, bên dưới là cảnh bé trai đang vui đùa. Bức tranh là tổng hòa nét dịu dàng của người con gái Việt, nét ngây ngô của tuổi trẻ và hình ảnh gia nhà nông thôn Việt Nam ngày xưa. “Hai thiếu nữ và em bé” đã được Nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
“Em Thúy” là một trong những bức tranh sơn dầu Việt Nam nổi tiếng bậc nhất thế kỉ trước. Chiếm trọn bức tranh là một cô bé với khuôn mặt hồn nhiên, mái tóc ngắn óng ánh đang ngồi khép nép trên chiếc ghế tựa bằng gỗ. Tương tự như “Hai thiếu nữ và em bé”, “Em Thúy” cũng được công nhận là “Bảo vật quốc gia”.
Trong “Nhìn từ đỉnh đồi” là cảnh thiên nhiên núi rừng vùng cao hùng vĩ. Phía xa xuất hiện những mái nhà ngói lấp ló sau làn khói và ánh nắng buổi chiều tà. Bức tranh từng đạt kỉ lục đấu giá cho tranh Việt Nam với 840.000 USD nhận được năm 2014.
“Phố Hàng Bạc” là một trong rất nhiều bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái về khung cảnh phố cổ Hà Nội xưa. Từng nếp nhà trong con phố hiện lên với vẻ cổ kính, bề thế và phần nào đó là “chen chúc” đặc trưng Việt Nam.
Tuy chỉ du nhập vào nước ta chưa đầy một thế kỉ nhưng dòng tranh sơn dầu đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ với những tác phẩm, họa sĩ xuất chúng. Tranh sơn dầu Việt Nam đã góp phần không nhỏ mang văn hóa nước nhà ra khắp thế giới. Để giờ đây khi nhắc về tranh sơn dầu nước Việt thế kỉ XX, chúng ta lại tự hào về một giai đoạn vàng son của hội họa nước nhà.